Tôi mở quán cà phê cóc ‘làm chơi ăn thật’

Khi mới kinh doanh quán cà phê, tôi thấy nhiều người bỏ nhiều chi phí thuê mặt bằng, trang trí quán bắt mắt… đó là sai lầm.

Nhiều người khởi nghiệp mở quán cà phê đều có chung một căn bệnh đó là ra trận khi trong tay có nhiều binh khí (tiền bạc) nhưng lại không biết cách sử dụng. Được quyền chọn địa hình giao đấu (mô hình quán) nhưng lựa chọn sai lầm, dẫn đến khi lâm trận sẽ lúng túng, bị đối thủ lợi dụng sơ hở và gục ngã khi chưa kịp làm gì.

Nhiều người kinh doanh quán cà phê thất bại thường mắc phải một căn bệnh như sau: Luôn nghĩ rằng quán cà phê sẽ là một kênh đầu tư lợi nhuận, là con gà đẻ trứng vàng. Chỉ cần bỏ vốn đầu tư thì hàng tháng an nhàn ngồi đếm tiền. Nhưng điều đáng nói là số vốn này lại là số tiền tiết kiệm được từ tiền lương hàng tháng, tiền vay mượn bạn bè hoặc của người thân. Khi kinh doanh không ổn, lại ngồi tiếc nuối nhìn tiền đội nón ra đi mỗi ngày, rất chua xót.

Nhiều người mở quán cà phê thất bại vì chọn sai mô hình quán. Bằng một cách tổng quát, có thể liệt kê một số mô hình quán như sau: Cà phê sân vườn, cà phê bóng đá, cà phê sinh viên, cà phê mang đi (take away), cà phê cóc, cà phê ăn sáng.

Trong đó, nhiều người vội vàng ném tiền đầu tư vào các mô hình khác mà không chịu ngó xuống chú ý cà phê cóc. Có lẽ vì nó không được sang chảnh nên ít người chú ý chăng?

Ngày từ lúc quyết định kinh doanh, họ dùng phần lớn tiền vốn để thuê mặt bằng trang trí quán bắt mắt sang chảnh, đầu tư bàn ghế… Đó lại là một sai lầm. Quá mạo hiểm khi dùng phần lớn số tiền có vào mặt bằng và trang trí trong khi chưa có kinh nghiệm “giao đấu” là một việc làm rất mạo hiểm, đầy rủi ro.

Tôi cũng từng ấp ủ mở quán cà phê máy lạnh, đối tượng là dân văn phòng, sinh viên. Nhưng khi ngồi ở vỉa hè, thấy nhiều người bán cà phê lề đường bán mỗi ly chỉ 10.000-15.000 nhưng có cô bán hàng xài điện thoại iPhone đời mới, vàng đeo đầy tay, đi xe tay ga… khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Bán cà phê vỉa hè không những sống được mà họ còn giàu nữa là đằng khác.

Mỗi ly cà phê họ bán chưa đến 20 nghìn đồng, nhưng hàng ngày doanh số ít nhất cũng ngót nghét cả trăm ly, lại không tốn tiền thuê mặt bằng, tiền đầu tư trang trí ban đầu nên lợi nhuận của họ rất lớn. Điều này làm tôi chú ý và dẹp bỏ ý định đầu tư quán kiểu mô hình sinh viên. Trên thị trường có hàng nghìn quán cà phê kiểu như thế, rồi hàng trăm quán của các chuỗi thương hiệu cà phê lớn nhỏ thì khó mà cạnh tranh lại họ nếu không có ý tưởng đột phá.

Không nghĩ lớn được thì làm nhỏ. Tôi quyết định thuê một mặt bằng nhỏ để bán cà phê cóc. Quán bày trí đơn giản, kê vài cái ghế và bàn ở phía trong quán, còn đằng trước thì để ghế nhỏ sát vỉa hè, lấy ghế nhựa làm bàn, gạt tàn để sẵn, cho khách hút thuốc lá thoải mái. Quán của tôi không sang trọng nhưng mộc mạc, chủ yếu bán vào buổi sáng và chiều tối. Nhiều khách mua vội gói xôi, ổ bánh mì nên cần chỗ ngồi chốc lát rồi đi làm ngay. Vì thế quán cóc của tôi là lựa chọn tối ưu cho họ. Buổi tối phục vụ bạn trẻ, sinh viên cần chỗ thông thoáng để nói chuyện rôm rả, cười đùa thoải mái – những tiêu chí mà quán máy lạnh khó làm được. Vì thế tôi không bị thất bại ngay từ lần đầu bỏ việc mở quán cà phê. Doanh thu và lợi nhuận khá ổn. Lợi nhuận có tháng vượt mức lương 20 triệu đồng lúc còn đi làm văn phòng khiến tôi cứ hay khoe với vợ là “làm chơi ăn thật”.

Theo VnExpress

Đánh Giá post