Những giấy tờ và thủ tục cần thiết để kinh doanh quán cà phê

Nhiều bạn muốn mở quán cà phê để kinh doanh nhưng thắc mắc không biết thủ tục giấy tờ gì và phải nộp những loại thuế nào để kinh doanh cho đúng luật? 

1. Kinh doanh quán cà phê có phải xin giấy phép kinh doanh?

– Trả lời: Kinh doanh quán cà phê là phải xin giấy phép kinh doanh

– Thủ tục: Về thủ tục xin giấy phép kinh doanh quán cafe, tùy theo mục đích của bạn mà có thể đăng ký kinh doanh dưới danh nghĩa cá nhân, hộ gia đình hoặc theo doanh nghiệp. Tuy nhiên bạn nên biết rằng việc đăng ký kinh doanh cá thể (cá nhân hoặc hộ gia đình) thường sẽ đơn giản thủ tục và các mức thuế, phí hàng năm cũng thấp hơn nhiều dưới danh nghĩa doanh nghiệp. Vì thế bạn nên cân nhắc mục đích cũng như khả năng của mình trước khi chọn hình thức đăng ký kinh doanh. Ngoài ra để đăng ký kinh doanh quán cafe với hình thức cá thể bạn cần nộp hồ sơ tại Phòng Kinh tế – Kế hoạch – UBND quận, huyện, thành phố nơi bạn đặt địa chỉ quán. Còn với hình thức công ty bạn cần nộp tại Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố.

* Hồ sơ đăng ký kinh doanh quán cà phê bao gồm:

  • Đơn đăng ký theo mẫu của Phòng Kinh tế – Kế hoạch – UBND quận, huyện, thành phố nơi bạn đặt địa chỉ quán.
  • CMND công chứng của chủ hộ và các thành viên (nếu có).
  • Hợp đồng thuê nhà (nếu có).

* Trình tự xin giấy phép kinh doanh quán cafe như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và gửi hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đến Phòng Kinh tế – Kế hoạch – UBND quận, huyện, thành phố nơi bạn đặt địa chỉ quán và nộp lệ phí.
  • Bước 2: Chờ đợi cơ quan đăng ký xét duyệt hồ sơ của bạn trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo…
  • Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc sửa đổi, bổ sung các thông tin cần thiết nếu được yêu cầu trong vòng 03 ngày kể từ ngày nộp.

2. Giấy phép chứng nhận Vệ sinh an toàn toàn thực phẩm

Vì mô hình quán cà phê sẽ thuộc dịch vụ ăn uống, nên bạn cần phải xin thêm chứng nhận Giấy phép về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP):

* Hồ sơ bao gồm:

  • Giấy khám sức khỏe và CMTND cho những nhân sự đang làm việc tại quán: về nguyên tắc là tất cả nhân sự làm việc tại quán cần có giấy khám sức khỏe còn hiệu lực trong vòng 12 tháng.
  • Tờ khai “Đề nghị sát hạch kiến thức VSATTP” theo mẫu.
  • Giấy phép đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có chứng thực), bản công bố chất lượng cà phê (bản photo có chứng thực), hóa đơn mua bán cà phê, giấy chứng nhận cơ sở sản xuất cà phê.
  • Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng cơ sở.
  • Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng xung quanh.
  • Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình phân phối (bỏ qua nếu là đăng ký kinh doanh cá thể).
  • Bản thuyết minh trang thiết bị, cơ sở vật chất, dụng cụ của cơ sở.
  • Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người quản lý.
  • Giấy xác nhận của chủ cơ sở và người quản lý trực tiếp của cơ sở.
  • Các nguyên vật liệu tại quán phải có đầy đủ hợp đồng cung cấp, hóa đơn bán hàng…

3. Những khoản thuế & phí cần nộp khi kinh doanh quán cafe

Các loại thuế mà cơ sở kinh doanh cần phải nộp theo quy định tại Điều 2, Thông tư 92/2015/TT-BTC, bao gồm:

  • Thuế môn bài
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Thuế giá trị gia tăng

Đối với thuế môn bài: nếu cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng trở xuống sẽ được miễn thế môn bài, còn có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm phải nộp thuế là 1 triệu đồng/năm; doanh thu từ 300 triệu đồng/năm đến dưới 500 triệu đồng/năm phải nộp thuế môn bài: 500.000 đồng/năm; doanh thu từ 100 triệu đến 300 triệu đồng/năm phải nộp thuế môn bài là 300.000 đồng/năm

Đối với thuế giá trị gia tăng & thuế thu nhập: nếu cá nhân, hộ gia đình có doanh thu dưới 100 triệu/năm thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Còn trường hợp cá nhân, hộ gia đình có thu nhập lớn hơn 100 triệu/năm thì phải đóng cả thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng với tỷ lệ được hướng dẫn tại phụ lục kèm theo thông tư 92/2015/TT-BTC cụ thể đối với dịch vụ ăn uống thuế giá trị gia tăng là 3%, thuế thu nhập cá nhân là 1,5%

Tổng Hợp

Đánh Giá post