Cô trợ lý bỏ việc về Đà Lạt mở homestay, quán cà phê

Nghỉ công việc ổn định ở TP.HCM để lên Đà Lạt, một ngày của Khánh Huyền chỉ kết thúc vào 2-3h sáng. Tuy nhiên, công việc và lựa chọn hiện tại khiến cô hài lòng.

“Ở TP.HCM tôi làm đồng thời 2 việc nên thời gian lên đến 12 tiếng/ngày. Song lên Đà Lạt công việc cực hơn, thời gian làm việc cũng nhiều hơn nhưng tôi thấy cảm thấy thoải mái và tự do”, Khánh Huyền (sinh năm 1993) chia sẻ về cuộc sống hiện tại sau 4 năm lên Đà Lạt lập nghiệp.

Quay lại TP.HCM chỉ sau 1 tuần

Sau khi tốt nghiệp ĐH chuyên ngành kinh doanh, Khánh Huyền tìm được công việc ưng ý. Ngoài là một trợ lý, cô thường nhận thêm các công việc khác như marketing, đối ngoại hay tổ chức sự kiện.

Với khối lượng công việc lớn, Khánh Huyền thường làm 12 tiếng/ngày, đôi khi lên đến 14-15 tiếng. Công việc dần thăng tiến, cộng với áp lực do bản thân tự tạo, cô gái 9X không có thời gian dành cho bản thân và gia đình.

“Thời điểm đó tôi không phải lo nghĩ nhiều về chi tiêu. Song cuộc sống luôn ngột ngạt với guồng quay công việc. Tôi chỉ đi làm và về nhà cũng đã đủ kiệt sức”, Khánh Huyền kể với Zing.

Sau một thời gian dài như vậy, cô bị stress nặng. Những chuyến đi chơi xa cũng không giúp cô giải tỏa được căng thẳng.

“Tôi tiếp tục xin nghỉ để lên Đà Lạt, nơi người yêu (hiện là chồng) đang khởi nghiệp với mô hình homestay. Tuy nhiên ở Đà Lạt được 1 tuần, tôi lại trở về TP.HCM vì quá nhớ nhịp sống nơi đây”, Khánh Huyền tâm sự.

Quay trở về, Khánh Huyền tiếp tục rơi vào vòng xoáy của công việc. Lúc này, cô nhân viên văn phòng bắt đầu suy tính đến chuyện thay đổi môi trường sống.

Đà Lạt là lựa chọn đầu tiên của cô gái 9X bởi trên này đã có bạn trai. Đầu năm 2018, cô nộp đơn xin việc và rời TP.HCM.

“Ngày nộp đơn xin việc, sếp tôi không ký quyết định. Bố mẹ cũng không ủng hộ. Thậm chí khi đã lên Đà Lạt được một năm, bà vẫn không đồng tình với quyết định của tôi”, cô cười và kể lại chuyện cũ.

Có thời điểm không đủ tiền để thay nồi cơm điện hỏng

“Ngày lên Đà Lạt, mọi kế hoạch của 2 đứa tôi chỉ xoay quanh căn homestay đang gây dựng. Không chuẩn bị nhiều nên chúng tôi mất cả tiền bạc, thời gian và công sức. Thời điểm khó khăn nhất là khi gia đình tôi không có đủ tiền để thay chiếc nồi cơm hỏng”, Khánh Huyền tâm sự.

Thiếu kinh nghiệm trong việc vận hành và phát triển homestay, ngay thời gian đầu lên Đà Lạt, cô và bạn trai đã hao hụt và cạn kiệt nguồn vốn. Nhiều thời điểm không đủ tiền thuê nhân viên, cặp đôi tự làm mọi việc trong homestay từ quét dọn, cải tạo, decor.

Với một chút khéo tay và tài lẻ về hội họa, Khánh Huyền vẽ tranh, làm các sản phẩm handmade từ len, dây thừng, vải vóc… để decor căn homestay của chính mình. Đáp ứng đúng tâm lý của du khách, homestay ngày một phát triển.

“May mắn được mọi người yêu thích các sản phẩm do chúng tôi làm ra, homestay không chỉ đông khách mà 2 vợ chồng còn nhận được nhiều dự án decor quán cà phê hay địa điểm lưu trú”, cô kể.

Thời điểm đó, Khánh Huyền và chồng vừa phải quản lý homestay từ xa, vừa đi theo các công trình đã nhận decor. Một ngày làm việc của cô thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc tối muộn.

“Lên Đà Lạt, cường độ làm việc của tôi nhiều hơn khi còn là dân công sở. Song tôi cảm thấy vui vì được làm công việc yêu thích. Nếu đi làm văn phòng, tôi phải theo những quy định của công ty. Với công việc mới này, tôi chủ động về thời gian làm việc và được phép chỉ nhận những dự án cảm thấy hứng thú”, cô gái 9X tâm sự.

Song thời gian đầu khi chưa có kinh nghiệm, cặp đôi liên tục bị nợ hoặc chậm thanh toán. “Có những ngày, tôi không có đồng nào trong người. Khi bố mẹ lên phụ giúp, nồi cơm điện của gia đình đã hỏng nhưng cũng không có tiền để thay. Nhìn bố đau bao tử nhưng vẫn cố ăn bữa cơm nửa sống, nửa chín mà đến giờ tôi vẫn nhớ rõ khoảnh khắc đó”, Huyền chia sẻ.

Thậm chí, Tết năm 2019, sau khi thanh toán lương cho công nhân, cô và bạn trai còn không đến một triệu đồng.

Dù vậy, khó khăn không khiến cô gái tự nhận mình là một đứa “cứng đầu” bỏ cuộc. Chia sẻ với Zing, Khánh Huyền cho biết chưa khi nào cô có ý định về lại TP.HCM.

“Khi tôi đã bắt tay làm việc gì thì đó không còn là trải nghiệm hay phép thử. Tôi muốn mình phải làm bằng được. Chỉ khi đã cố gắng hết mình, nếu cảm thấy không hợp tôi mới từ bỏ”, cô khẳng định.

Trái ngọt

Sau những vấp ngã, hai vợ chồng Khánh Huyền thận trọng trong việc làm ăn, chỉ nhận những công trình chất lượng. Tích góp tiền, vợ chồng cô dần phát triển sự nghiệp.

Sau 4 năm lên Đà Lạt, hiện Khánh Huyền và ông xã có 3 cơ sở homestay, 2 quán cà phê và 2 công ty có trụ sở tại Đà Lạt và TP.HCM.

Mới đây, đầu tháng 10, mô hình homestay kết hợp quán cà phê tâm huyết của cặp đôi này đi vào hoạt động sau 3 tháng gây dựng trên mảnh đất 6.000 m2.

“Mô hình của chúng tôi được lấy cảm hứng từ những câu chuyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Dù diện tích rộng, khu lưu trú chỉ phục vụ tối đa 20 khách, còn lại là không gian thiên nhiên. Tôi muốn mọi người đến đây được sống những ngày thong thả không phải lo nghĩ nhiều”, cô gái 9X chia sẻ với Zing.

4 năm lên Đà Lạt, hiện cô gái sinh năm 1993 hài lòng với cuộc sống hiện tại. Vừa quản lý các cơ sở kinh doanh vừa nhận thiết kế và thi công các công trình, một ngày làm việc của Khánh Huyền thường bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào 2-3h đêm.

Ngoài ra Khánh Huyền vẫn học thêm ngoại ngữ, marketing, kiến thức về đầu tư… và thường xuyên về TP.HCM để gặp bạn bè hay đối tác.

“Dù ở Đà Lạt hay TP.HCM bạn cũng vẫn phải làm việc. Song tôi lựa chọn lên Đà Lạt sinh sống để được tận hưởng sự bình yên của chốn này nhưng vẫn muốn mang tinh thần và năng lượng làm việc của người Sài thành”, Khánh Huyền nói.

Đánh Giá post